Giá bán sầu riêng lên xuống thất thường

Ngày 9/5, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 13.000ha sầu riêng, có 41 mã số vũng trồng sầu riêng với 2.000ha đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, từ cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu đã gửi lên Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để chuyển sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chờ được cấp mã.

Đồng Nai: Giá sầu riêng

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 13.000ha sầu riêng.

Tuy nhiên, giá sầu riêng năm nay biến động mạnh, khiến nông dân lo lắng. Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Hồng, một nông dân tại xã Phú Lợi (huyện Định Quán), chia sẻ: "Đầu tuần, thương lái trả 55.000 đồng/kg cho sầu riêng Ri6 loại A, nhưng chỉ vài ngày sau đã giảm xuống còn 45.000 đồng/kg. Giá cả thay đổi từng ngày khiến chúng tôi không biết nên bán lúc nào để có lời".

Tình trạng này không chỉ xảy ra với sầu riêng Ri6 mà còn với các giống khác như Dona (Thái). Theo một số thương lái, giá sầu riêng Dona đạt chuẩn xuất khẩu hiện dao động khoảng 75.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước đó .

Đồng Nai: Giá sầu riêng

Người trồng sầu riêng lo lắng vì giá cả biến động mạnh, thị trường thay đổi từng ngày.

Trên dọc tuyến đường QL20 đoạn qua Đồng Nai, từ sáng sớm đã thấy hàng chục xe tải cỡ lớn đậu chờ vào các vựa sầu riêng. Một số thương lái cho biết họ đang gom hàng để kịp chuyến đi cửa khẩu Hữu Nghị, hoặc vận chuyển về các kho lạnh ở miền Tây để chờ đơn hàng.

Chị Lê Thị Mai, một thương lái từ Long An cho hay: "Chúng tôi đang bị áp lực từ đơn hàng xuất khẩu. Phía Trung Quốc năm nay siết kiểm tra mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nên phải lựa chọn kỹ. Hàng nào không đạt chuẩn thì chỉ bán trong nước với giá thấp hơn nhiều".

Việc thương lái tăng cường "gom hàng" khiến thị trường nóng lên từng ngày, nhưng cũng tạo ra sự phân hóa lớn về giá giữa những vườn trồng bài bản, có mã số vùng trồng và vườn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Cần có chiến lược dài hạn cho cây sầu riêng ở Đồng Nai

Giá cả tăng - giảm không theo quy luật khiến người trồng lo ngại. Bà Lê Thị Hương, một nông dân tại xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), trăn trở: "Tôi đầu tư gần 500 triệu vào chăm sóc vườn sầu riêng năm nay. Nếu không bán được giá cao ở đầu mùa, e rằng cả mùa vất vả cũng chỉ huề vốn. Mà để được giá thì phải đạt chuẩn xuất khẩu, đâu phải ai cũng có điều kiện làm bài bản".

Bên cạnh đó, một số chủ vườn phản ánh tình trạng thương lái "làm giá", bắt tay nhau để ép giá trong thời điểm nhiều vườn cùng thu hoạch. "Chúng tôi bị lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái vì không có kho lạnh hay kênh tiêu thụ riêng. Muốn bán cũng phải nhắm mắt mà bán", ông Trần Văn Nhân (Tp.Long Khánh) nói thêm.

Đồng Nai: Giá sầu riêng

Hơn 30 thành viên Hợp tác xã Tà Lài cùng sử dụng chung một quy trình, áp dụng mã số vùng trồng, ký hợp đồng bán hàng định kỳ với doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, giá thu mua luôn cao hơn thị trường 10 – 15%, lại ổn định hơn hẳn.

Theo ông Phạm Hữu Danh, kỹ sư nông nghiệp tại Đồng Nai, sầu riêng Đồng Nai đang có lợi thế về diện tích, khí hậu và chất lượng trái. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, quy hoạch vùng trồng, xây dựng thương hiệu và hạ tầng bảo quản sau thu hoạch.

Ông Danh đánh giá: "Sầu riêng là cây trồng có giá trị cao, nhưng cũng rất nhạy cảm với thị trường. Nếu tỉnh không sớm quy hoạch lại vùng trồng, hỗ trợ nông dân nâng cấp kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu thì rất dễ bị 'vỡ trận' khi thị trường gặp biến động".

Mùa sầu riêng chín rộ đang mang lại nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít âu lo cho nông dân Đồng Nai. Khi "trái vàng" đã bước ra thị trường quốc tế, bài toán quy hoạch, minh bạch giá cả và hỗ trợ đầu ra không còn là chuyện riêng của từng nhà vườn mà là bài toán chiến lược cần lời giải từ nhiều phía.

Đại diện UBND huyện Tân Phú cho biết, tại xã Tà Lài (huyện Tân Phú), mô hình tổ hợp tác trồng sầu riêng sạch do Hợp tác xã Tà Lài đứng đầu đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hơn 30 thành viên cùng sử dụng chung một quy trình, áp dụng mã số vùng trồng, ký hợp đồng bán hàng định kỳ với doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, giá thu mua luôn cao hơn thị trường 10 – 15%, ổn định hơn hẳn.

Đoàn Vũ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giải pháp đáp ứng quy định kiểm tra chất vàng O trong sầu riêng, để đạt chuẩn xuất khẩuGiải pháp đáp ứng quy định kiểm tra chất vàng O trong sầu riêng, để đạt chuẩn xuất khẩu
Tham khảo thêm
Sầu riêng “giải cứu” với giá chỉ 50.000 đồng/kg, có nên mua hay không?Sầu riêng “giải cứu” với giá chỉ 50.000 đồng/kg, có nên mua hay không?