Cần chính sách miễn trừ trách nhiệm
Chia sẻ tại tọa đàm " Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam : Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới" do báo Dân Việt tổ chức trong sáng nay (14/5), ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cho biết, mới đây Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế chính sách cho dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam , đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TPHCM.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã trình 24 chính sách, trong đó có 2 chính sách mới nổi bật là đề xuất cho phép sử dụng vốn ODA mà không phải nộp thuế đối với một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù, để mở rộng khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng cần có chính sách miễn trừ trách nhiệm cho người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm đối với các dự án đường sắt nói chung, và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nói riêng.

Ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng đường sắt Việt Nam. Ảnh: Lộc Liên.
“Trong bối cảnh nhiều cán bộ lo ngại trách nhiệm pháp lý, việc có một hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ người thực thi là điều kiện tiên quyết để dự án không bị chậm tiến độ chỉ vì sự chần chừ có hệ thống. Hiện tại, hệ thống chính sách đặc thù đang được hoàn thiện đầy đủ, do đó điều còn lại là sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương để biến Nghị quyết thành công trình”, ông Trần Thiện Cảnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cảnh, lực lượng kỹ sư tư vấn, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài sẽ được trao quyền quyết định kỹ thuật tại công trường, thay vì chờ phê duyệt từng bước từ chủ đầu tư.
Ngoài ra, Cục Đường sắt còn đề xuất cơ chế hợp đồng linh hoạt, nghĩa là hợp đồng theo công việc thực tế và đơn giá điều chỉnh để tránh tranh chấp khi thực hiện dự án.
Cơ hội ngàn năm hay thách thức thế kỷ?
Cũng tại tọa đàm, ông Tạ Mạnh Thắng - Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - cho rằng, trong bối cảnh Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghệ cao đang được sửa đổi theo hướng hỗ trợ khu vực tư nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tiếp cận các nguồn lực và công nghệ trong lĩnh vực đường sắt.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng hiện tại doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ lõi - đặc biệt là các hạng mục kỹ thuật cao. Do đó, vai trò của Nhà nước trong việc thiết kế chính sách chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các hợp đồng EPC và PPP của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là vô cùng quan trọng.

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tiếp cận các nguồn lực và công nghệ trong lĩnh vực đường sắt. Ảnh minh họa: Lộc Liên.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - nhận định, năng lực tài chính và quy mô tổ chức của nhiều nhà thầu Việt vẫn còn nhỏ bé, trong khi tiêu chuẩn đấu thầu của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cực kỳ cao. Ước tính hiện tại chỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được gần đủ các điều kiện kỹ thuật, công nghệ và tài chính.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chờ đợi doanh nghiệp Việt tự trưởng thành. Do đó, cần liên kết và tập hợp các nhà thầu Việt Nam từ lớn đến nhỏ để tạo thành hệ sinh thái xây dựng, đủ sức đáp ứng toàn bộ chuỗi cung ứng.
"Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội ngàn năm có một, nhưng nếu không sẵn sàng, nó cũng có thể là thách thức thế kỷ đối với ngành xây dựng Việt Nam nói chung và nhà thầu trong nước nói riêng", ông Hiệp nêu quan điểm.