Luật BHXH 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm tăng quyền lợi, tính hấp dẫn và khuyến khích người lao động không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc sẽ tham gia BHXH tự nguyện. 

Trong đó, phải kể đến việc bổ sung quy định người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng mức trợ cấp thai sản 2 triệu đồng đối với mỗi con được sinh ra hay giảm điều kiện thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm để việc tiếp cận lương hưu dễ dàng hơn… Dù vậy, nhiều người lao động tự do vẫn chần chừ với việc tham gia BHXH tự nguyện. 

Lý giải về việc người lao động chưa mặn mà với chính sách này, nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu là do mức đóng cao (22% thu nhập tháng). Dù được chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng song nếu chọn mức đóng quá thấp thì mức hưởng không đáng kể. Trong khi đó, nếu chọn mức đóng đúng với thu nhập thực tế thì mỗi tháng, NLĐ mất gần 1/4 thu nhập chỉ để đóng BHXH tự nguyện. Đây là rào cản lớn.

Tăng quyền lợi, người lao động vẫn chưa mặn mà với BHXH tự nguyện- Ảnh 1.

LĐLĐ quận Bình Thạnh, TP HCM tư vấn chính sách BHXH, BHYT cho người lao động

Bên cạnh đó, dù được bổ sung chính sách ngắn hạn như trợ cấp thai sản nhưng nhiều người cho rằng mức hưởng 2 triệu đồng vẫn còn quá thấp.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Nghiệp đoàn xe ôm quận 10, TP HCM, cho biết nghiệp đoàn của ông có đến vài chục người nhưng chỉ có mình ông từng tham gia BHXH và có lương hưu. Hiểu được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH nên ông thường xuyên động viên thành viên trong nghiệp đoàn đóng BHXH tự nguyện để về già bớt gánh nặng. 

"Tuy nhiên, việc vận động rất khó bởi đa số tài xế đều cho rằng thu nhập của họ bấp bênh, chỉ vừa đủ sống, trong khi đó tỉ lệ đóng BHXH tự nguyện khá cao nên rất e ngại" - ông Sơn nói.

Tăng quyền lợi, người lao động vẫn chưa mặn mà với BHXH tự nguyện- Ảnh 2.

Lao động giúp việc nhà chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Vân (44 tuổi), một lao động giúp việc nhà tại quận 8 cho biết bà đang giúp việc gia đình theo giờ cho 2 hộ gia đình với mức tiền công khoảng 6 triệu đồng/tháng. Sau khi chồng mất cách đây gần 8 năm, bà đang ở nhờ nhà người thân. Dù không phải trả tiền thuê trọ nhưng mỗi tháng bà có trách nhiệm đóng toàn bộ tiền điện, nước, rác, dịch vụ internet truyền hình cho gia đình. 

Dù chồng mất, hằng tháng bà vẫn dành một khoản hỗ trợ chi phí thuốc thang cho cha mẹ chồng. Con gái bà Vân đã lập gia đình, đang có con nhỏ nên không thể phụ giúp gì cho mẹ. Vì vậy, dù được vận động, bà cũng chưa dám nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu.

Bà Vân nói:"Tôi cũng hiểu có lương hưu thì sau này tôi sẽ đỡ chật vật kiếm sống nhưng với thu nhập hiện tại, chi tiêu dè sẻn lắm nhưng vẫn có tháng thiếu do có đám tiệc. Nếu trích thêm một khoản để đóng BHXH, tôi sẽ không kham nổi".

Chia sẻ về quyền lợi mới bổ sung cho người tham gia BHXH tự nguyện bà Vân cho rằng chế độ thai sản có lợi cho người tham gia khi còn ở độ tuổi sinh đẻ và chưa có con. Nhưng thiếu hấp dẫn với người tham gia BHXH tự nguyện muộn, đã lớn tuổi và có con cái.