Luật Việc làm 2025 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 quy định rõ các đối tượng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, giúp xác định trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Trong đó, luật mới đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể là đối với các nhóm lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; lao động làm việc theo hợp đồng lao động không trọn thời gian mà có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất theo luật BHXH năm 2024.

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao phủ đối với cả các trường hợp thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Một số đối tượng có hưởng lương khác.

Sắp tới, nhiều lao động làm việc không trọn thời gian phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp- Ảnh 1.

Người lao động tìm hiểu chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm mới

Ngoài ra, luật mới còn giao Ủy ban Thường vụ Quộc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng khác ngoài các đối tượng quy định tại luật này mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ.

Mục đích việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Như vậy sau khi Luật Việc làm 2025 có hiệu lực vào đầu năm 2026 thì người lao động làm việc không trọn thời gian nhưng có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Việc mở rộng đối tượng này nhằm đáp ứng và đạt mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, tức là đến năm 2030 có khoản 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đồng thời nâng cao hiệu quả phòng ngừa, hỗ trợ người lao động khi rơi vào tình trạng mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp.

Luật Việc làm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2026.