Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital - đánh giá, Việt Nam đang triển khai cải cách toàn diện trong khu vực công và tư.

Mục tiêu hướng đến là nhằm nâng cao tiềm năng tăng trưởng GDP thông qua đẩy mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế , tinh gọn bộ máy Chính phủ, xử lý các điểm nghẽn làm giảm hiệu quả kinh tế.

“Những tín hiệu tích cực đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện, khi giải ngân đầu tư công đã có mức tăng ấn tượng 40% trong nửa đầu năm nay, phản ánh sự cải thiện trong thủ tục hành chính - một rào cản từng gây đình trệ giải ngân trong những năm trước”, ông Michael Kokalari nói.

Trên thực tế, giải ngân đầu tư công ghi nhận tăng trong quý II năm nay, được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính là nhận thức cao hơn về việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương nhằm rút ngắn quy trình và trực tiếp thực thi các dự án trọng điểm.

Lý do vốn đầu tư công đang 'chi tiêu' rất mạnh- Ảnh 1.

Sân bay Long Thành trị giá 13 tỷ USD đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công đang tăng mạnh ở cấp tỉnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh thành đang tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cùng với những sáng kiến khác của Chính phủ đã giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án .

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua một loạt biện pháp cho phép chính quyền địa phương phê duyệt các dự án quy mô lớn như sân bay, khu đô thị trên 50 ha mà trước đây phải trình Thủ tướng xem xét. Đồng thời, quy trình phê duyệt cho các dự án công cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương đang được tinh giản, đã giúp giải ngân đầu tư công tăng.

Chuyên gia của VinaCapital dẫn chứng, việc sáp nhập 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thành, 20 Kho bạc Nhà nước cấp khu vực và bỏ Kho bạc Nhà nước cấp huyện, đã giúp giảm đầu mối của hệ thống kho bạc với doanh nghiệp. Các nhà thầu giờ đây có thể nộp hồ sơ trực tuyến tới kho bạc khu vực, giúp thời gian giải ngân vốn rút ngắn chỉ còn 1-3 ngày, thay vì quy trình trước đây phải đến trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện đến kho bạc nơi giao dịch.

Ngoài ra, các dự án quy mô quốc gia cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Thời gian khởi công và hoàn thành một số công trình lớn như sân bay Long Thành (13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội và TPHCM (13 tỷ USD), tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (8,4 tỷ USD) đã được rút ngắn tới 3 năm.

VinaCapital cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để duy trì đà giải ngân mạnh mẽ cho đầu tư hạ tầng. Nợ công của Chính phủ hiện ở mức dưới 40% GDP, thặng dư ngân sách trong 5 tháng đầu năm đạt trên 5% GDP và có hơn 45 tỷ USD chưa được giải ngân cho cơ sở hạ tầng . Trở ngại chính cho việc giải ngân chậm trong quá khứ phần lớn là do các vướng mắc pháp lý và thủ tục hành chính.