Công ty Cổ phần May Hữu Nghị (Hugamex, UPCoM: HNI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu giảm 9,5% so với năm 2024, đạt 358,67 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn hàng bán đã chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu, lên tới 88,2%. Do vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15,5 tỷ đồng, giảm 7,2% so với mức lãi 16,7 tỷ đồng năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của May Hữu Nghị là 549,6 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 25,48 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ của năm 2024.

Theo kế hoạch đề ra đầu năm, ban lãnh đạo Hugamex đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 952 tỷ đồng và có lãi sau thuế 31 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đạt 57,7% chỉ tiêu doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản May Hữu Nghị hơn 746 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Trong đó hơn 315 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, chiếm 42,2% tổng tài sản và chủ yếu đến từ khách hàng Columbia (hơn 300 tỷ đồng).

Tại thời điểm 30/6/2025, nợ phải trả hơn 287 tỷ đồng, tăng 3,4% so với đầu năm, trong đó, phải trả người bán ngắn hạn giảm 23,3% còn 31,42 tỷ đồng; người mua trả tiền trước ngắn hạn là 30 tỷ đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước hơn 10 tỷ đồng. Tiền lương phải trả cho người lao động gần 148 tỷ đồng, chiếm phân nửa tổng nguồn vốn.

Ngay trước đó vào ngày 5/6/2025, May Hữu Nghị thực hiện đợt thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2024. Cụ thể, công ty đã chi ra hơn 35,6 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông với tỉ lệ 15% trên vốn điều lệ (1.500 đồng/cổ phiếu).

Doanh thu giảm, May Hữu Nghị vẫn đạt 82% kế hoạch lợi nhuận sau nửa đầu năm- Ảnh 1.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của May Hữu Nghị 549,6 tỷ đồng.

Với ngành dệt may, dù chính sách thuế quan của chính quyền Trump còn nhiều bất định, nhưng xuất khẩu của ngành vẫn tích cực. Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu gần 22 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 8,77 tỷ USD, tăng 17,1%; xuất khẩu sang EU đạt 2,36 tỷ USD, tăng 14,8%; xuất khẩu sang Nhật Bản 2,24 tỷ USD.

Chủ tịch Vitas: DN dệt may "cần bình tĩnh" trước thuế đối ứng 46% của MỹDệt May 29/3 kỳ vọng trả cổ tức 20% đến 45% trong năm 2025

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ của May Hữu Nghị, doanh nghiệp này cũng cho biết ngành dệt may năm 2025 có dấu hiệu hồi phục nhưng phát triển không đều, 6 tháng đầu năm ổn định, còn 6 tháng cuối năm không được ổn định, đơn hàng ngắn, số lượng ít, giá thấp so với cùng kỳ từ 5-10%. Nguồn hàng từ khách hàng truyền thống cung cấp được 60% còn lại là tìm kiếm từ khách hàng mới.

Thị trường ngành dệt may toàn cầu có khả năng tốt hơn, song phần lớn đơn hàng cung cấp từ Mỹ, Canada, Nhật và Trung Quốc có đơn giá thấp và số lượng ít. Nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu từ Trung Quốc, giá cả cạnh tranh nhưng chất lượng không tốt, giao hàng không đúng hạn, chỉ phí phát sinh cao làm cho giá FOB (Free On Board) khó cạnh tranh.

Theo đó, năm 2025 May Hữu Nghị vẫn dự định tập trung 65% sản xuất vào thị trường Mỹ và EU; 25% gia công và xuất khẩu vào Nhật và 10% sản xuất tiêu thụ nội địa.

Công ty Cổ phần May Hữu Nghị có tiền thân là ty May và In Hữu Nghị trực thuộc Tổng Công ty Dệt - May Việt Nam, được thành lập vào năm 1993. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phầm may mặc và thiết bị phụ tùng, nguyên phụ liệu ngành may.

May Hữu Nghị chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2002. Công ty hiện đang quản lý vận hành 1 xưởng sản xuất chính và 4 xí nghiệp trực thuộc với năng lực sản xuất 1 triệu sản phẩm jackets/năm, 2 triệu sản phẩm sơ mi - quần tây/năm.